Hôm nay :

*Hotline: 0868 918 116 - 0868 918 116

[tintuc]
Dinh thự nhà Vương tại Đồng Văn Hà Giang là một địa chỉ du lịch mà bất kỳ du khách nào lên với Cao nguyên đá Đồng Văn đều muốn dừng chân ghé lại. Nhà Vương là công trình kiến trúc có giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc độc đáo nhất của dân tộc Mông tại Hà Giang.

Dinh thự nhà Vương thuộc xã Sà Phìn (huyện Đồng Văn), một khu di tích phản ánh rõ nét cuộc sống của vua Mèo Vương Chính Đức cách đây gần một thế kỷ. Theo nhiều tài liệu còn ghi lại, Dinh thự nhà Vương được xây dựng từ năm 1919, là nơi ở của ông Vương Chính Đức, một thổ ty giàu có trên vùng Cao nguyên đá được người Mông tôn sùng làm vua, cai quản cả một vùng rộng lớn gồm 4 huyện vùng cao Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc. Năm 1993, công trình kiến trúc Nhà vương đã được Bộ VHTT&DL xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia và trở thành niềm tự hào của người Mông nơi cực Bắc Tổ quốc. Đây được coi như một "Hoàng cung" của vua Mèo Vương Chính Đức với lối thiết kế trải dài từ cổng vào đến các cung chính phụ theo trình định sẵn theo thứ bậc và vai trò của mỗi ban, bộ phận giúp việc cho vua Mèo. Công trình được vua Mèo Vương Chính Đức dầy công nghiên cứu về phong thủy, vị vua quyền lực này đã cho mời thầy phong thủy từ Trung Quốc về để phục vụ quá trình lựa chọn vị trí cũng như các thiết kế xây dựng dinh thự.
Nhà Vương có vị trí đắc địa về phong thủy
Dinh thự Nhà Vương được xây dựng ở vị trí vô cùng đắc địa, là một gò đất có hình mai rùa, xung quanh đều được bao bọc bởi những dãy núi cao, đảm bảo các yếu tố về phong thủy, phòng thủ, kiên cố và có lối kiến trúc nghệ thuật độc đáo, là sự pha trộn giữa kiến trúc của Pháp, Trung Quốc và của người Mông. Các chi tiết trong dinh thự từ tảng đá kê cột nhà, phù điêu đá gắn tường, gỗ, cửa, chắn song, đá hoa cương, gỗ sa mộc, ngói mái âm dương... đều được chạm trổ tinh xảo, cầu kỳ không chỉ thể hiện uy quyền của bậc đế vương mà còn thể hiện tâm hồn thưởng thức nghệ thuật của chủ nhà.
Toàn bộ khu dinh thự gồm 3 cấp nhà khép kín gọi là tiền dinh, trung dinh và hậu dinh. Các cấp nhà, các phòng ở phải phù hợp với đối tượng sử dụng, sinh hoạt. Có kho lương dự trữ, hầm chứa thuốc phiện, hầm chứa súng ống, đạn dược, bể nước lớn... Bên ngoài tường thành là dãy cây Sa mộc cổ thụ tạo nên một cảnh quan xanh mát, độc đáo.
Hàng cây Xa Mộc trước cổng nhà Vương

Trong câu chuyện sau những buổi làm hướng dẫn viên du lịch giới thiệu cho du khách về Dinh thự nhà Vương, cô gái Vương Thị Chở, hậu duệ đời thứ 4 của Vương Chính Đức chia sẻ đầy tự hào: “Không có gì tự hào hơn khi được giới thiệu cho du khách về chính ngôi nhà mà các thế hệ của gia đình trước đây đã sống. Họ là những người tài giỏi, có vai vế trong xã hội, đặc biệt là ông Vương Chí Sình đã trở thành người anh em kết nghĩa với Chủ tịch Hồ Chí Minh và là đại biểu Quốc hội khóa I và II. Được Bác Hồ tặng chiếc áo trấn thủ và thanh bảo kiếm có khắc dòng chữ: “Tận trung báo quốc, bất thủ nô lệ”. Tiếp nối truyền thống đó, người Mông trên Cao nguyên đá đã một lòng theo Đảng để có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc như ngày hôm nay, nhiều người đã trưởng thành và giữ các trọng trách quan trọng của Đảng ở Trung ương và địa phương”.
Nhà Vương nhìn từ Cung chính
Được biết, Vương Thị Chở là cháu nội thế hệ thứ tư của cụ Vương Chính Đức. Nhánh của ông nội Chở là nhánh duy nhất có con cháu ở Hà Giang và đặc biệt, Chở chính là người được sinh ra và lớn lên trong chính ngôi dinh thự này. Năm 2004, sau khi Dinh thự nhà Vương được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia, các gia đình họ Vương đã giao dinh thự này cho ngành Văn hóa quản lý và họ được tạo điều kiện ra xây dựng nhà ở khu vực phía trước ngôi dinh thự.
Sinh ra và lớn lên trong ngôi dinh thự này nên cả tuổi thơ của Chở đong đầy những kỷ niệm nơi đây. Sau này, khi trở thành hướng dẫn viên du lịch, Chở càng có cơ hội tìm hiểu kỹ về lịch sử ngôi dinh thự và cuộc đời những người con ưu tú của dân tộc mình. Chở kể: “Để xây ngôi dinh thự này, những người thợ giỏi đến từ Tàu và các thợ giỏi nhất vùng được tuyển chọn kỹ lưỡng, làm việc cật lực trong nhiều năm liền và huy động sức lao động của đồng bào người Mông. Tất cả các vật liệu đá của dinh thự do chính người Mông vận chuyển từ nhiều nơi cách ngôi dinh thự nhiều km và đục đẽo bằng tay”.
Các lầu phía trong Nhà Vương
Ông Sùng Mí Sèo, một người con của đồng bào Mông ở xã Ma Lé chia sẻ: “Dinh thự nhà Vương là một trong nhưng nơi lưu giữ được những giá trị cả về lịch sử và văn hóa một giai đoạn phát triển của người Mông trên Cao nguyên đá. Chúng tôi, những thế hệ sau dù chỉ hiểu về các bậc cha anh qua những câu chuyện lịch sử nhưng rất đỗi tự hào. Những người con xuất chúng của người Mông đã có nhiều cống hiến cho quê hương, đất nước, là biểu tượng cho sức mạnh, ý chí của người Mông nơi miền cực Bắc. Ở Sà Phìn hiện nay có khoảng 700 người mang dòng họ Vương, là một trong những dòng họ có nhiều con em đã tốt nghiệp xong các trường chuyên nghiệp và có việc làm ổn định”.
Gia tộc họ Vương với ngôi dinh thự nổi tiếng một thời trấn giữ biên ải của Tổ quốc, nay được quan tâm trùng tu, gìn giữ như một “báu vật” của người Mông. Giữa cao nguyên đá xám, dù cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng người Mông luôn kiên cường bám trụ, vượt khó vươn lên, giữ gìn từng tấc đất của Tổ quốc, như truyền thống lâu đời về sức mạnh, ý chí của các bậc tiền nhân.
NgonHaGiang
[/tintuc]

1 2 3 4 5
BACK TO TOP